Nghỉ dưỡng ven đô có phải chỉ là trào lưu tránh dịch Covid-19?

Một nghịch lý đang xảy ra trên thị trường bất động sản thời đại dịch Covid-19. Trong khi du lịch toàn thế giới tổn thất nghiêm trọng, thị trường bất động sản du lịch biển trong nước cũng ảm đạm vì vắng khách du lịch quốc tế cũng như nhà đầu tư, bất động sản nghỉ dưỡng ven những đô thị lớn lại nổi lên như một điểm sáng khi thu hút được dòng tiền mới.

Thời của du lịch nghỉ dưỡng gần nhà

Trước đây, bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ ở Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc nhưng từ khi xảy ra dịch Covid-19, những điểm nóng này tạm thời nguội đi. Trong khi đó, giới nhà giàu lại lùng mua đất xây nhà vườn nghỉ dưỡng ở những nơi có phong cảnh đẹp và khí hậu trong lành ở ven những đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM – một xu hướng rõ nét được ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa mô tả bằng hình ảnh "bỏ phố về vườn".

Nếu như Xuyên Mộc – Hồ Tràm và Bảo Lộc – Lâm Đồng là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư phía Nam thì ở phía Bắc, huyện Ba Vì của Hà Nội và huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn và đặc biệt là khu du lịch hồ Hòa Bình, trở thành "thỏi nam châm" hút dòng tiền đầu tư.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch Công ty CP Bất động sản BHS, dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài vài năm nữa, kể cả khi đã có vắc-xin, nên việc sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô là một xu hướng phát triển dài hạn của thế giới và Việt Nam chứ không phải là một giải pháp "tránh dịch".

Nghỉ dưỡng ven đô có phải chỉ là trào lưu tránh dịch Covid-19?

"Đây không phải là loại hình bất động sản phát sinh do tình huống mà là một nhu cầu thiết yếu của các nhà đầu tư và phát triển dài hạn. Đặc biệt, trong một thế giới hiện đại, khi mà khối lượng công việc lớn, con người rất dễ mất cân bằng, môi trường sống ô nhiễm và một loạt các nguy cơ về dịch bệnh thì việc sở hữu một căn nhà nghỉ dưỡng ven đô là điều cần thiết đối với giới nhà giàu. Họ vừa có thể tích trữ tài sản, vừa có dòng tiền mà lại là nơi trú ẩn mỗi khi muốn tránh xa ô nhiễm và dịch bệnh", ông Tuyển khẳng định.

Tuy nhiên, ông Tuyển nhìn nhận khẩu vị của những khách hàng mua bất động sản nghỉ dưỡng ven đô cũng đã thay đổi. Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô không chỉ là một nơi mang lại sự cân bằng cho cuộc sống mà còn thực sự phải như một bộ đồ trang sức có giá, có tính thanh khoản và đặc biệt là có khả năng sinh lời. Và những thay đổi của thị trường du lịch do đại dịch Covid-19 đang mở ra những cơ hội mới để bất động sản nghỉ dưỡng ven đô trở thành nơi tích trữ tài sản và tăng khả năng sinh lời tốt hơn bao giờ hết.

Theo các chuyên gia, ở kỷ nguyên hậu Covid-19 sẽ định hình một số xu hướng du lịch chủ yếu. Theo đó, du lịch nội địa sẽ lên ngôi do du khách sẽ ngại di chuyển bằng máy bay đi xa và do các nước kiểm soát chặt nhập cảnh để chống dịch. Vì thế, những điểm du lịch trong nước có thể vẫn còn hoang sơ sẽ hưởng lợi do du khách có xu hướng ưa thích những điểm đến mang tính riêng tư hơn và gần gũi với thiên nhiên hơn.


Du khách cũng sẽ hạn chế những chuyến đi dài ngày mà thay vào đó là những kỳ nghỉ ngắn ngày, gần nhà hơn và có thể đi du lịch quanh năm thay vì chỉ đi vào mùa cao điểm. Cũng chính vì những xu hướng trên nên du khách sẽ lựa chọn những điểm đến có thể tiếp cận bằng đường bộ hơn là mất thời gian di chuyển bằng máy bay.

Đón đầu xu hướng mới

Nắm bắt được xu hướng này, những doanh nghiệp nhanh nhạy đang đẩy mạnh phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Tiêu chí lựa chọn những địa điểm lý tưởng cho mô hình này là cách những đô thị lớn không quá xa, thường từ 1 – 1,5 tiếng đi ô tô; có cảnh quan đẹp với địa hình phong phú như rừng, đồi, suối…; có không khí trong lành. Dựa trên những tiêu chí đó, ông Tuyển cho rằng, ở phía Bắc, tỉnh Hòa Bình là địa điểm lý tưởng nhất để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô, tiếp đến là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh và có thể có cả những nơi hầu như chưa có tên trên bản đồ du lịch như Tuyên Quang.

Tuy nhiên, khẩu vị của người mua bất động sản nghỉ dưỡng ven đô cũng đã thay đổi đáng kể. Trước đây, giới nhà giàu thường mua đất hoặc có thể mua cả quả đồi để làm trang trại kiêm nhà nghỉ dưỡng cuối tuần. Nhưng mô hình này dần thoái trào do tiền mua đất rẻ nhưng tiền đầu tư vào hạ tầng và căn nhà rất lớn mà chủ nhân không lên thường xuyên và cũng không cho thuê được nên căn nhà trở nên hoang phế và không có giá trị gia tăng.

Nghỉ dưỡng ven đô có phải chỉ là trào lưu tránh dịch Covid-19?

Nhiều loại hình BĐS nghỉ dưỡng mới ra đời

Vì thế, bên cạnh thực tế vẫn có nhóm khách hàng tự mua đất xây nhà thành từng cụm để nghỉ dưỡng, phần lớn người mua bất động sản ven đô giờ đây có xu hướng lựa chọn mua những dự án được quy hoạch và vận hành chuyên nghiệp theo những tiêu chí của một khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Nếu như trước đây hầu như không có dự án bất động sản nghỉ dưỡng nào ở ven đô được quản lý và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế thì hiện nay đang manh nha nhiều dự án mới được quy hoạch bài bản ngay từ đầu để hướng tới quản lý vận hành chuyên nghiệp. Điển hình như hai dự án Sakana Resort & Spa và Parahills tại Hòa Bình đang mang lại diện mạo hoàn toàn mới cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Không chỉ có vị trí và cảnh quan tuyệt đẹp với sự kết hợp của hồ nước, đồi núi và những thảm rừng xanh mướt, những biệt thự của hai dự án có thiết kế kiến trúc rất độc đáo như hình nón lá, chiếc nơm, tổ chim hoặc hình ốc.

Điểm đặc biệt là những dự án này có sự tham gia tư vấn của một trong những tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới để đảm bảo việc xây dựng, tiện ích, dịch vụ và công tác quản lý vận hành sau này thỏa mãn tiêu chuẩn 5 sao.

Những dự án như thế này hoàn toàn thỏa mãn được những đòi hỏi khắt khe của người mua bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là trong bối cảnh khẩu vị đầu tư cũng như du lịch đang thay đổi do dịch Covid-19, nên đang trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư.

Theo Bình An/Nhịp sống kinh tế