Sốt đầu tư nhà vườn: Liệu có cả thèm chóng chán?

Đất nhà vườn hút nhà đầu tư giữa đại dịch

Trong thời gian gần đây, nhu cầu mua đất làm nhà vườn của người Hà Nội và Sài Gòn tăng đột biến, khiến lượng giao dịch và giá đất vùng ven cũng tăng theo. 

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Nghỉ dưỡng Ngoại Ô, cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, số lượng khách hàng quan tâm đến nhà đất ven Hà Nội như huyện Ba Vì hay huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn của tỉnh Hoà Bình tăng gần gấp đôi so với trước. 

Bất chấp yêu cầu giãn cách xã hội do dịch Covid-19, ngày nào nhân viên môi giới cũng dẫn khách đi xem nhà đất ở khu vực Ba Vì. Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần, nhà đầu tư cá nhân đổ xô ra các tỉnh vùng ven Hà Nội để săn đất. 

Không chỉ ở miền Bắc mà theo ông Văn Dũng Chinh, Tổng giám đốc Vina Real, một số tỉnh miền Trung như Lâm Đồng và Khánh Hoà cũng thu hút rất nhiều nhà đầu tư từ nơi khác đến mua đất làm nhà vườn. 

Trong khi đó, ở phía Nam, các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Tiền Giang và Bà Rịa Vũng Tàu đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. 

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Netland cho biết, một số khu vực như Đà Lạt và Bảo Lộc của Lâm Đồng đặc biệt hút nhà đầu tư, khiến việc tìm kiếm một mảnh đất ưng ý ngày càng khó hơn. 

Sốt đầu tư nhà vườn: Liệu có cả thèm chóng chán?

Cơn sốt sắm trang trại, nhà vườn ven đô của người dân đô thị đang bùng lên mạnh mẽ

Theo ông Chinh, nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ hai luôn tồn tại, nhưng phải đến khi có cú sốc của đại dịch Covid-19 thì mới bùng phát mạnh mẽ do người dân thay đổi suy nghĩ về cuộc sống.

"Dịch bệnh đã thôi thúc mong muốn trong mỗi người tìm kiếm một khoảng trời riêng dành cho gia đình để phòng tránh những rủi ro", ông Chinh nhận xét.

"Càng có dịch bệnh, cuộc sống đô thị càng bận rộn, ngột ngạt thì nhà vườn ven đô càng có sức hút đối với khách hàng, nhà đầu tư", ông Chinh nói thêm.

Nhà vườn không chỉ là nơi nghỉ ngơi cuối tuần để cân bằng cuộc sống, tránh ô nhiễm, ồn ào nơi thành thị, mà theo ông Trung, còn mang lại dòng tiền cho chủ sở hữu bằng cách kinh doanh homestay.

"Mô hình kinh doanh homestay trong thời gian vừa qua cũng đang cho thấy hiệu quả rất tốt, càng khiến các khách hàng mua nhà vườn yên tâm về khả năng cho thuê để thu lợi nhuận nếu họ không có nhu cầu sử dụng", ông Trung nói.

Bên cạnh đó, ông Trung cho rằng, do thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin về việc các tập đoàn lớn về phát triển dự án tại ven đô Hà Nội nên các nhà đầu tư mua nhà đất ở khu vực xung quanh với kỳ vọng tăng giá nhờ các dự án lớn được triển khai.

Liệu có "sớm nở tối tàn"?

Thực chất, không phải đến khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 xu hướng đầu tư nhà vườn mới nở rộ, mà từ đầu những năm 2000, giới nhà giàu đô thị có thú vui vào mỗi dịp cuối tuần rời bỏ thành phố náo nhiệt về trang trại cùng trồng rau, câu cá vui thú điền viên. 

Tuy nhiên, “mốt” sắm nhà vườn cũng chỉ rầm rộ được một thời gian ngắn rồi nhanh chóng tàn lụi.

Lý giải về nguyên nhân “sớm nở tối tàn”, ông Trung cho rằng, việc mua đất riêng lẻ làm nhà vườn rất lãng phí do chủ sở hữu chỉ có thể ở đó vào ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ tết, nghỉ hè. Phần lớn thời gian không sử dụng và phải thuê người trông coi, rất bất tiện. 

Ban đầu, chủ sở hữu rất muốn làm mô hình nông trại, vườn cây để nghỉ ngơi thư giãn sau một thời gian dài làm việc mệt mỏi. Nhưng sau đó, họ không đầu tư sức người, sức của và thời gian để chăm sóc cho các nông trại đó vì không quen với làm nông nghiệp.

"Đây chính là lý do khiến khách hàng “cả thèm chóng chán" và xu hướng mua đất tự làm nhà vườn nhanh chóng lụi tàn. Ngoài những người dân tuổi đã cao, muốn tìm một nơi xa thành phố để nghỉ dưỡng lâu dài thì ít ai còn giữ được thú vui này", ông Trung nhận xét.

Mặc dù nhu cầu mua đất nền riêng lẻ làm nhà vườn vẫn lớn nhưng theo ông Chinh, để khắc phục điểm yếu của mô hình bất động sản này, một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy phát triển dự án nhà vườn theo mô hình chìa khoá trao tay.

Theo đó, các dự án nhà vườn sẽ được phát triển sẵn các hệ sinh thái nông nghiệp, cây ăn trái, nông sản trên đó để khách hàng có thể sử dụng ngay mà không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Trong thời gian khách hàng không sử dụng có thể uỷ thác cho chủ đầu tư khai thác cho thuê để sinh ra dòng tiền.

Bên cạnh đó, theo ông Chinh, một số dự án nhà vườn đầu tư đồng bộ vào tiện ích, dịch vụ nhằm giúp gia tăng giá trị cho dự án, thu hút khách du lịch quay trở lại, qua đó giúp tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư từ việc cho thuê.

Địa điểm thích hợp để phát triển dòng sản phẩm này vừa phải thuận tiện về giao thông, vừa là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái phong phú, đa dạng để phát triển các chuỗi du lịch nghỉ dưỡng cho du khách.

Còn theo ông Trung, khách hàng và nhà đầu tư cũng cần phải xác định rõ "khẩu vị" của mình khi mua nhà vườn, nếu không sẽ đầu tư sai lầm và mắc kẹt.

Nếu khách hàng mua nhà vườn ven đô để ở thường xuyên thì nên mua đất nền rộng, tự xây và quản lý theo nhu cầu của mình. Với lựa chọn này, khách hàng khả năng cho thuê và tăng giá của bất động sản chỉ là yếu tố phụ.

Nếu kỳ vọng khả năng tăng giá và cho thuê sinh lợi thì khách hàng nên chọn dự án khu nghỉ dưỡng được phát triển chuyên nghiệp, tích hợp nhiều tiện ích phục vụ du lịch và có đơn vị vận hành uy tín. Tuy nhiên, khách hàng sẽ không được phép cá nhân hoá ngôi nhà của họ mà phải tuân thủ theo quy hoạch chung của toàn dự án.

Theo Theleader.vn